Bà Nguyễn Thị Thiệp, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Hóa cho hay, làng Ngọa Cương trước đây thuộc xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa. Từ năm 1954 đến nay, làng sáp nhập về xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch. Là một trong những làng được hình thành sau các làng ở xã Cảnh Hóa, nhưng Ngọa Cương lại có bề dày lịch sử, văn hóa. Làng được lập nên từ đầu thời triều Nguyễn, năm Gia Long thứ 13 (1814), do cụ Trần Hùng ở làng Mỹ Cương (Đồng Hới) đưa nghề gốm, sành, vôi, gạch, ngói đến mở nghề sinh sống, lập làng.
Với lợi thế trong vùng có đất sét làm gốm, một bên là rừng có củi đốt lò, đường sông thuận lợi để lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nên nghề gốm phát triển, dân cư tăng nhanh. Sau khoảng 30 năm lập làng, nghề gốm đã đem lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Ở làng Ngọa Cương, các chủ lò gốm luôn chăm lo đến việc đào tạo thợ, nên các sản phẩm rất bắt mắt, hợp thị hiếu. Có những người thợ lành nghề đã trở thành nghệ nhân như ông Phạm Nghiêm, Phạm Vệ thợ làm ấm, ông Nguyễn Kỉnh thợ chuốt bình vôi.
Cuộc sống no đủ, nghề thủ công phát triển mạnh, chợ búa, cơ sở vật chất không ngừng được mở mang. Nhờ vậy, các mặt văn hóa, tâm linh cũng phát triển theo. Người dân trong làng đã góp sức, góp của xây dựng chùa, đình, đền, miếu để thờ thành hoàng làng và những người có công với nước, với dân. Nổi bật trong đó có đình làng Ngọa Cương. Đình làng đại diện cho nét văn hóa đặc sắc của người dân Ngọa Cương lúc bấy giờ. Đình được xây to, rộng.
Kiến trúc đình có đình tiền, đình trung, đình hậu, được chạm trổ long, ly, quy, phượng. Cột đình có đường kính 80cm. Tất cả gỗ làm đình đều được làm bằng gỗ muồng. Mái đình được lợp ngói vảy hai lớp âm, dương. Trên nóc đình có lưỡng long chầu nguyệt. Mái tứ phía uốn lượn đẹp mắt. Đình hướng về phía nam, trước cửa đình là 2 cây đa lớn. Phía tây nam của đình là giếng làng xây bằng gạch hình vuông sâu 7m, có đáy khép bằng bốn tấm gỗ lội, đến nay vẫn còn nguyên hiện trạng. Các công trình xây dựng đều lấy vật liệu vôi, gạch, ngói do làng sản xuất.
Sau khi đình Ngọa Cương hoàn thành, người dân trong làng tiếp tục xây dựng chùa Ngọa Cương, còn gọi là Ngọa Linh tự. Chùa nằm phía chính tây, trên một ngọn đồi cao, có kiến trúc và lối xây dựng đặc biệt kiên cố với bức tường dày, có nơi độ dày lên đến 1m. Kết cấu chùa gồm phần thân và phần lầu. Mái cổng được uốn cong và đắp hình rồng, phượng. Bên trong mái của chùa Ngọa Cương có hình vòm được điêu khắc nhiều họa tiết bắt mắt. Chùa Ngọa Cương có khuôn viên rộng được bao bọc bởi tường rào xung quanh.
Với người dân của làng, đình làng, chùa Ngọa Cương là nơi sinh hoạt tâm linh, tế lễ, bái niệm, cầu tài, cầu lộc. Các lễ hội của làng được tổ chức nền nếp, long trọng như lễ cúng thành hoàng, cúng vua, thần đầu năm. Các dòng họ trong làng thay nhau giữ các chức tước để quản lý hương ước, đình, chùa và điều hành các lễ hội, luật lệ của làng.
Ông Hoàng Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã Cảnh Hóa cho biết, mặc dù trải qua thời gian, chùa bị chiến tranh tàn phá hư hỏng nhưng chùa luôn được người dân trong làng gìn giữ. Trong thời gian sau này, chùa Ngọa Cương được tôn tạo lại, ở lối lên của chùa có hai con rồng uốn lượn được phủ sơn vàng nổi bật. Chùa được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh năm 2005. Không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh, đình, chùa Ngọa Cương trong những năm kháng chiến chống Pháp còn là căn cứ hoạt động cách mạng của quân và dân ta.
Có thể nói, hệ thống công trình tâm linh của làng Ngọa Cương đã tạo thành quần thể gồm “cây đa, giếng nước, sân đình” đặc trưng của làng xã Việt Nam thời xưa, chứa đựng giá trị đạo đức thấm sâu vào mỗi người dân, giáo dục họ tình yêu quê hương, đất nước. Chính nhờ vậy mà ở hoàn cảnh, thời kỳ lịch sử nào người dân Ngọa Cương vẫn thể hiện tinh thần cách mạng quả cảm của mình.
Nguồn: copy