Du khách tham quan, trải nghiệm tại Lễ hội Mùa vàng 2020. |
Để có được những kết quả đáng ghi nhận đó, huyện Bình Liêu đã tập trung chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch và đặc biệt có những triển khai cụ thể nhằm quảng bá về mảnh đất, con người nơi đây, thu hút khách, hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển du lịch đã đề ra. Hàng năm, tương ứng với mỗi sự kiện và hoạt động du lịch, huyện đều rút kinh nghiệm, điều chỉnh các vấn đề phát sinh và ban hành nhiều văn bản triển khai áp dụng, như: Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về du lịch, đặc biệt là tại thác Khe Vằn, khu vực đường tuần tra biên giới… để đảm bảo hoạt động du lịch được hiệu quả. Cùng với đó, huyện cũng thường xuyên chỉ đạo, nắm tình hình du khách đến địa bàn, kiểm tra tình hình kinh doanh dịch vụ liên quan như lưu trú, ăn uống, đảm bảo vệ sinh môi trường… để kịp thời chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm.
Hiện, trên địa bàn huyện đã có 28 cơ sở phục vụ lưu trú với gần 300 phòng. Trong đó, cơ sở đã được Sở Du lịch thẩm định xếp hạng đủ tiêu chuẩn đón khách du lịch là 8 cơ sở, với 58 phòng; cơ sở đang trong quá trình xem xét thẩm định xếp hạng là 20 cơ sở với hơn 200 phòng. Chị Đoàn Thị Thanh Huyền, du khách đến từ Bắc Giang, chia sẻ: Từ lâu tôi đã biết tới Bình Liêu qua các kênh thông tin đại chúng. Và bây giờ được đến trực tiếp trải nghiệm không gian du lịch tại đây tôi thấy rất ấn tượng. Đặc biệt tôi thích nhất không khí ở đây, rất trong lành, cảnh vật thanh bình và người dân thì vô cùng thân thiện. Nơi đây cũng có rất nhiều những phong tục, văn hóa và làn điệu dân ca độc đáo được lưu giữ cùng thời gian, rất đáng để khách du lịch như chúng tôi khám phá.
Đặc biệt, để phát triển đồng bộ du lịch, từ năm 2015 đến nay, huyện đã triển khai và đầu tư xong các hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, như: Hoàn thành đường lên các cột mốc biên giới phía tây và cột mốc 1305; đường Lục Ngù – Khe Tiền; đường Nà Ếch – Khe Vằn; đường Đồng Văn – Khe Tiền; tuyến đường Thị trấn – Húc Động; hoàn thành đường liên thôn, xã đến các điểm du lịch tiềm năng trên địa bàn; tổ chức trồng cây sở tạo cảnh quan tại các trục đường chính, điểm công cộng; đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn, trong đó đã xây dựng hoàn thành cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) – Động Trung (Trung Quốc) và đang trong quá trình chuẩn bị các điều kiện công bố cặp cửa khẩu song phương, đây sẽ là điều kiện quan trọng để tạo động lực và hợp tác phát triển du lịch biên giới.
Mới đây nhất, Bình Liêu cũng tổ chức thành công Tuần Văn hóa – Du lịch và Lễ hội mùa vàng, thu hút trên 2.000 lượt khách, qua đó góp phần kích cầu du lịch và khai thác, phát huy các giá trị khác biệt, lợi thế của địa phương trong dịp thu đông. Tới đây, nhằm giới thiệu tới du khách về vùng đất tươi đẹp, con người thân thiện và giàu bản sắc, Bình Liêu sẽ tiếp tục nhiều hoạt động, trong đó có Hội hoa Sở dự kiến tổ chức vào 12/12.
Ông Hoàng Huy Trọng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Hiện nay huyện đang tập trung vào phát triển sản phầm du lịch sinh thái – biên giới và du lịch văn hóa – cộng đồng. Để thực hiện hiệu quả, huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức, khuyến khích sự vào cuộc của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp đối với sự phát triển du lịch trên địa bàn. Đồng thời, cũng tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực để khắc phục những hạn chế, điểm yếu về kỹ năng làm việc với các công ty lữ hành, khách tour, kỹ năng tổ chức tour nội vùng – liên vùng giữa Bình Liêu và các khu vực lân cận và tiếp cận sâu hơn với khách quốc tế.
Nguồn: copy